"Thủ tướng có ý kiến thì Văn phòng Chính phủ phải ra văn bản thông báo ngay, bất kể đó là ngày nghỉ. Việc này không có gì bất thường", ông Đỗ Văn Dũng, Vụ phó Vụ Theo dõi khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, cho biết.
Một ngày sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận
thanh tra, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho rằng nội dung
kết luận không bất ngờ, nhưng cách đưa kết luận này ra công bố trên báo
chí thì bất ngờ, thời điểm đưa ra kết luận thanh tra là bất thường.
Trong khi các bộ, ngành chưa vào làm theo yêu cầu của Thủ tướng thì
Thanh tra Chính phủ đã công bố.
Đô thị mới Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: Báo Đà Nẵng |
Ngày 2/11/2012 Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất kết
luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND Đà Nẵng trong việc chấp
hành pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống
tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến việc quản lý, sử dụng
đất. Ngày 19/11, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến Thủ tướng về
việc xử lý sau thanh tra tại Đà Nẵng. Cả hai văn bản này đều đóng dấu
mật và quản lý theo chế độ tài liệu mật. Tuy nhiên, hai tháng sau, văn
bản trên đã được "giải mật", Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh
tra.
Trao đổi với VnExpress chiều 19/1, Vụ phó Vụ
Theo dõi khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng (Văn phòng Chính
phủ) Đỗ Văn Dũng, người trực tiếp theo dõi và xử lý hồ sơ về thanh tra
Đà Nẵng, cho biết không ít trường hợp đơn vị được thanh tra không đồng
tình với kết luận thanh tra. Các kết luận của thanh tra cũng như việc
giải quyết sau kết luận thanh tra phải căn cứ vào quy định của pháp
luật.
Trả lời câu hỏi về lý do không công bố kết luận thanh
tra từ tháng 11, ông Dũng cho biết, theo quy định, khi chưa có kết luận
cuối cùng, các tài liệu đều đóng dấu mật. Sau khi có ý kiến Thủ tướng,
Thanh tra Chính phủ hoàn toàn chủ động trong việc công bố kết luận thanh
tra Đà Nẵng. "Nhiều trường hợp, như kết luận thanh tra Ngân hàng phát
triển, sau 4 tháng mới được công bố", ông Dũng nói
Ông Dũng cho biết, trong trường hợp kết luận thanh tra
Đà Nẵng, ban đầu Thanh tra Chính phủ đóng dấu mật, sau đó ngày 11/1
Thanh tra Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng là thanh tra rà soát,
nghiên cứu thấy rằng các nội dung của kết luận thanh tra đến nay không
còn thuộc danh mục bí mật nên đề nghị Thủ tướng cho phép công khai kết
luận thanh tra. Thủ tướng có ý kiến trả lời đồng ý với kiến nghị của
Thanh tra Chính phủ.
"Văn bản ngày 11/1 của Thanh tra Chính phủ đóng dấu
“Hỏa Tốc” nên theo quy định Văn phòng Chính phủ phải xử lý ngay. Ngày
13/11 (chủ nhật), Thủ tướng có ý kiến thì Văn phòng Chính phủ phải ra
văn bản thông báo ngay, bất kể đó là ngày nghỉ, ngày lễ. Việc này không
có gì bất thường", ông Đỗ Văn Dũng nói.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc chuyển nhượng quyền sử
dụng đất, cho thuê đất... không tuân thủ quy định của pháp luật ở Đà
Nẵng đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho một số
nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính. UBND TP Đà Nẵng giảm 10%
tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí đất tái định cư, tổ chức cá nhân
được giao đất, nhận chuyển nhượng nhượng quyền sử dụng đất là không
đúng, gây thất thu ngân sách hơn 446 tỷ đồng (đối với các hộ tái định
cư) và hơn 867 tỷ đồng (đối với các tổ chức, cá nhân khác).
Trao đổi với Tuổi Trẻ
chiều 18/1, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính trung ương, Bí thư
Thành ủy Đà Nẵng khẳng định những kết luận sai phạm về quản lý đất đai
gây thất thoát nguồn ngân sách nhà nước của Thanh tra Chính phủ là không
có cơ sở, thiếu tính thuyết phục và không đi sát với thực tế. Việc đồng
ý giảm, tăng hoặc giữ nguyên theo đề nghị của Hội đồng thẩm định giá
đất thành phố là việc làm bình thường và đúng thẩm quyền của UBND.
|
Xuân Hoa
Nguồn: Vnexpress
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/01/thoi-diem-cong-bo-ket-luan-thanh-tra-da-nang-khong-bat-thuong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét