Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Tranh chấp đất đai kéo dài giữa nhà 30 - 32 Lê Lai, TP. Đà Nẵng: Quan điểm bất nhất tại tòa, vụ việc chưa có hồi kết


(TN&MT) - Như Báo Tài nguyên & Môi trường đã nhiều lần phản ánh vụ tranh chấp đất đai kéo dài giữa nhà 30 - 32 Lê Lai, do có nhiều sai phạm trong quy trình cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCNQSHNƠ&QSDĐƠ) cho nhà 30 Lê Lai.



Ngày 12/11/2010, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định (QĐ) số 8715/QĐ-UBND giải quyết “phần diện tích đường luồng cho là sử dụng chung” trước đây nay giao cho hộ ông Phan Thanh Kế - 32 Lê Lai. Tuy nhiên, phần diện tích đất nhà 30 Lê Lai lấn chiếm đất nhà 32 Lê Lai khoảng 0,25mx17,5m chưa được giải quyết, buộc ông Kế khởi kiện ra Tòa từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm. Vụ việc vẫn chưa đến hồi kết, khi tại Tòa nhiều ý kiến trái ngược nhau, quan điểm của Tòa - Viện cũng khác nhau.

Sau khi thụ lý đơn khởi kiện của vợ chồng ông Phan Thanh Kế v/v “Yêu cầu hủy QĐ cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ cho nhà 30 Lê Lai số 13744/QĐ-UB ngày 12/12/2001 (kèm theo hủy GCNQSHNƠ&QSDĐƠ số 3401032470 ngày 12/12/2001) và hủy một phần Quyết định số 8715/QĐ-UBND ngày 12/11/2010”. Ngày 19/10/2012, TAND TP. Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tại bản án số 05/2012/HC-ST của TAND TP. Đà Nẵng V/v yêu cầu hủy các quyết định hành chính đã bác đơn khởi kiện của vợ chồng ông Kế.

Tại bản án sơ thẩm số 05/2012/HC-ST của TAND TP. Đà Nẵng ngày 19/10/2012 về việc yêu cầu hủy các quyết định hành chính, Tòa án đã nhận định thiếu thuyết phục khi cho rằng: “Sau năm 1975, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước nghiêm cấm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên tại giấy bán nhà cho bà Oai chi ghi diện tích nhà cỡ 4mx17m mang tính ước độ, còn tại văn tự giữa vợ chồng ông Kế và bà Sa thì không ghi rõ diện tích nhà mà chỉ mô tả diện tích đất, mô tả phạm vi sử dụng đất”. Cở trong giấy tờ mua bán nhà bà Oai là cở dấu (hỏi) tức kích cở, chứ không phải cỡ dấu (ngã) là cỡ khoảng.


Hình trên cho thấy hiện trạng nhà bà Hương trước đây và khi xây dựng lấn

Việc vận dụng sai từ ngữ trong tiếng Việt của Tòa án là sai phạm trầm trọng, để lý giải cỡ khoảng mang tính ước độ, nên có thể từ 4m lên 4,56m bề ngang, một sự sai số quá lớn 12% không cho phép?
Tại sao Tòa lại cho rằng nhà ông Kế không ghi rõ diện tích nhà, trong khi văn tự mua bán nhà ông Kế ghi rõ: “Một ngôi nhà trệt, lợp tôn, vách xây ất lô, bề ngang 9m, bề sâu 14m; có sân trước bề ngang 9m, chiều dài 3,5m tính đến lề đường Lê Lai”. Rõ ràng diện tích nhà đất ông Kế là 9m (ngang) x 17,5m (dài 14m nhà + 3,5 m sân trước). Để rồi cho rằng, các Quyết định hành chính liên quan đến việc cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ  là đúng pháp luật, do đó bác đơn khởi kiện của vợ chồng ông Kế. Điều bất thường ở phiên tòa sơ thẩm này, là sau khi gia đình ông Kế có đơn khởi kiện ngày 27/6/2012 thì ngày 17/8/2012, người có quyền, nghĩa vụ liên quan là bà Trần thị Thanh Hương cũng có đơn yêu cầu độc lập với lý do muốn sử dụng “đường luồng cho là sử dụng chung” đã được giải quyết tại QĐ số 8715/QĐ-UBND ngày 12/11/2010. Đơn của bà Hương đã quá thời hiệu nhưng Tòa vẫn thụ lý đơn tại Thông báo số 07a/2012/TB-TLVA ngày 21/8/2012, chỉ tuyên đình chỉ việc giải quyết tại phiên tòa ngày 19/10/2012 (đáng lẽ không thụ lý đơn của bà Hương ngay từ ban đầu).  

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ông Kế tiếp tục khiếu kiện ra Tòa phúc thẩm- TAND tối cao tại Đà Nẵng. Ngày 28/01/2013, diễn ra phiên tòa xét xử phúc phẩm. Đại diện Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng là ông Vi Mạnh Hà- Kiểm sát viên cao cấp khẳng định: “cở 4mx17m trong giấy mua bán nhà của bà Huyền Tôn nữ thị Oai (nay bà Trần thị Thanh Hương thừa kế) chính là kích cở, hàm chỉ kích thước nhà 4mx17m”.

Trả lời chất vấn của ông Hà về kích thước nhà ông Kế và bà Oai theo văn tự mua bán nhà, ông Hoàng Minh Hòa - Chánh Thanh tra Sở TN&MT (được ủy quyền của UBND TP. Đà Nẵng) cũng nêu rõ: “nhà ông Kế có kích thước 9mx14m, nhà bà Oai có kích thước cở 4mx17m”. Lý giải tại sao nhà bà Oai hiện giờ không phải 4m mà là 4,56m; ông Hòa cho rằng: “theo hiện trạng chứ không theo hồ sơ gốc. Giấy tờ nhà ông Kế nhiều nội dung không chỉ kích thước mà còn là đường luồng, giếng nước”.
Đáng nói, cấp giấy chứng nhận cho nhà bà Oai - 30 Lê Lai không căn cứ vào giấy tờ nhà bà Oai, mà lại căn cứ vào giấy tờ nhà ông Kế có nêu con đường đi dài, giếng nước. Như báo TN&MT đã phân tích nhiều lần trước đây: “con đường đi dài, giếng nước nằm trong ngoặc chỉ mang tính cách mô tả. Cái gọi đường luồng, giếng nước nằm trong diện tích đất nhà ông Kế 9mx17,5m thì đâu còn là đường luồng, giếng nước sử dụng chung”. Kiểm sát viên Vi Mạnh Hà cho rằng: “Cấp theo hiện trạng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi người khác, đằng này làm cho đất nhà ông Kế nhỏ đi, bề ngang nhà ông Kế thu hẹp đi là không đúng”.

Rõ ràng, cùng một mảnh đất do một chủ bán thì kích thước rất khớp nhau, bên này tăng lên thì bên kia giảm đi, chứ làm gì có chuyện tất cả các bên đều tăng lên, như ý kiến đại biểu HĐND Nguyễn Quang Nga phản ánh tại Kỳ họp HĐND TP trước đây? Ngày 21/8/2012, TAND TP chủ trì buổi đo đạc thực tế với sự chứng kiến của TAND TP, Viện KSND TP, Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP, UBND phường Thạch Thang và 2 hộ ông Kế, bà Hương đều cho thấy bề ngang nhà ông Kế là 8,97m (nếu kể hàng trụ bị bà Hương lấn khi xây nhà chỉ còn 8,77m). Kết quả này cũng phù hợp với Kết quả đo đạc của Phòng TN&MT quận Hải Châu sáng 12/01/2010 với sự chứng kiến của 3 hộ ông Kế, ông Chất và bà Hương như sau: Bề ngang nhà ông Kế 8,96m (nếu kể hàng trụ bị bà Hương lấn khi xây nhà chỉ còn 8,76m) và khoảng cách giữa 2 bức tường cũ nhà bà Hương là 4,02m; rất khớp với giấy tờ mua bán nhà của ông Kế là 9m và bà Hương là 4m chiều ngang. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để giải quyết tranh chấp của 2 nhà 30-32 Lê Lai.

Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp, từ chính quyền địa phương đến Tòa án đều không đề cập vào số liệu đo đạc thực tế, phải chăng điều này bất lợi cho đường lối xử lý đã định sẵn??? Trả lời ý kiến của Chủ tọa phiên tòa- Thẩm phán Nguyễn Văn Tiến tại sao trang đầu của GCNQSHNƠ&QSDĐƠ của bà Oai số 3401032470 lại không nêu phần diện tích sử dụng chung, trong khi đó trang sau lại vẽ diện tích sử dụng chung ở sơ đồ; trong khi đó các GCNQSHNƠ&QSDĐƠ khác đều ghi cả 2 trang thì ông Hòa cho rằng: “Bình thường có lúc ghi 1 trang, có lúc ghi cả 2 trang đều không có gì sai luật cả”.


 Hiện trạng cho thấy trụ nhà ông Kế nằm bên ngoài tường nhà bà Hương và không liên kết với tường nhà bà Hương, quét vôi đều cả 4 mặt. Cây trụ cuối nhà ông Kế có gắn kết cấu dầm sàn bêtông cốt thép gian nhà sau của ông Kế và nhà bà Luyện (phía sau nhà ông Kế).

Tại phần tranh luận, ông Kế đặt câu hỏi: “Ranh giới thửa đất hiện trạng nhà bà Oai đến đâu” thì ông Hòa trả lời: “Đến tường nhà bà Oai. Tường thì có vật kiến trúc gắn với tường nên ranh giới là da tường, da trụ”. Vị đại diện Sở TN&MT còn mập mờ chưa rõ ranh giới thì sao giải quyết vấn đề, như báo TN&MT đã phản ánh trước đây: “Nhà bà Hương giới hạn trong 4 bức tường với khoảng cách bề ngang của 2 bức tường là 4m. Hàng trụ nhà ông Kế nằm bên ngoài tường nhà bà Hương (hiện trạng nhà bà Hương cáp 4 trước đây không có trụ-TN&MT), quyét vôi đều cả 4 mặt và không liên kết với tường nhà bà Hương. Khi xây nhà bà Hương đã đập hàng trụ nhà ông Kế khoảng 0,25m và lấn chiếm khoảng không 0,3m với nhà ông Chất- 28 Lê Lai để nới rộng bề ngang từ 4m lên 4,56m và diện tích tăng từ 91m2 lên 100,6m2. Hiện còn cây trụ bêtông cốt thép cuối nhà ông Kế có gắn với kết cấu dầm sàn bêtông nhà bếp nhà ông Kế và nhà bà Luyện (phía sau nhà ông Kế)”. Về vấn đề sai số khi đo đạc từ 4m lên 4,56m tương ứng sai lệch 12%, ông Hòa nói theo đo đạc thực tế và trong sai số cho phép???

Phát biểu quan điểm của Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng, ông Vi Mạnh Hà cho rằng: “Quy trình cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ của bà Oai (bà Hương thừa kế) chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến lợi ích các hộ liền kề, gây thiệt hại cho gia đình ông Kế - 32 Lê Lai diện tích 0,25mx17,5m=4,375m2 đến nay chưa được giải quyết. Lý do tăng thêm diện tích được cấp của bà Hương-30 Lê Lai chưa thuyết phục.

Tại Khoản 2, điều 2 của QĐ 8715/QĐ-UBND nêu cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo cho hộ bà Hương hoàn chỉnh tô tường và hoàn thiện công trình theo GPXD không có tính khả thi trên thực tế. Lẽ ra, căn cứ vào Khoản 2-Điều 14 Luật Nhà ở (có hiệu lực từ ngày 01/7/2006) khi giải quyết tranh chấp về nhà ở, gắn liền với đất ở: TAND TP. Đà Nẵng cần tuyên bố thu hồi GCNQSHNƠ&QSDĐƠ số 3401032470 ngày 12/12/2001 và QĐ số 8715/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 của UBND Thành phố, để UBND quận Hải Châu lập thủ tục cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ theo diện tích điều chỉnh. Nay thẩm quyền cấp thuộc UBND cấp thành phố cần được điều chỉnh cho phù hợp. Tòa án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ kiện dân sự khác (theo Điều 6 Luật Tố tụng hành chính) nhưng bản án sơ thẩm chưa điều tra làm rõ thiệt hại để giải quyết cùng vụ án hành chính.

Vì vậy, có căn cứ chấp nhận khởi kiện, kháng cáo của gia đình ông Kế. Đề nghị HĐXX, căn cứ Khoản 3-Điều 205 Luật Tố tụng hành chính: hủy bản án sơ thẩm để giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại cho đúng quy định của pháp luật” là hoàn toàn phù hợp với báo TN&MT đã nhận định trước đây. Tuy nhiên, kết luận tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán Nguyễn Văn Tiến lại tuyên bố: “Giữ nguyên bản án sơ thẩm. Không chấp nhận kháng cáo của gia đình ông Kế”.
Qua diễn tiến phiên tòa và những gì chúng tôi ghi nhận được gia đình ông Kế sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa tối cao và Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng sẽ có ý kiến khi có QĐ của bản án. Một phiên tòa còn nhiều điều đáng để bàn, liệu bản án có thật sự xác đáng và công tâm không?

Một vụ việc đơn giản, nhưng cách giải quyết làm cho phức tạp thêm vấn đề. Mong rằng với lương tâm của người “cầm cân nảy mực”, TAND tối cao sớm đưa ra bản án chính xác, công tâm và hợp lòng dân.

Mạnh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét