(PetroTimes) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại Công văn 1930/VPCP-V.I ngày 19/11/2012 về việc xử lý sau
kết luận thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra toàn
diện và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý sử dụng
đất đối với các dự án đầu tư tại TP Đà Nẵng sau khi Luật Đất đai 2003 có
hiệu lực đến nay.
Báo cáo cho thấy, sau khi Luật Đất đai 2003 và các Nghị định của Chính
phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, UNBD TP Đà Nẵng đã
tiến hành triển khai công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn.
Theo đó, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, sau khi có
Luật Đất đai 2003, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành tổng cộng 28 văn bản quy
phạm pháp luật, 8 văn bản chỉ đạo điều hành cụ thể về lĩnh vực đất đai,
giúp công tác quản lý đất đai của TP đi vào nề nếp.
Từ năm 2003, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê
đất đối với tổng cộng 1.061 công trình, dự án với tổng diện tích
15.783,46ha. Trong đó có 220 dự án thuê đất với diện tích 3.411,44ha;
166 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 2.896,08ha; cấp
1.209 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức sử dụng đất, bao
gồm cả trường hợp sử dụng đất theo hiện trạng, được giao đất mới để thực
hiện dự án đầu tư, được nhận quyền sử dụng đất do đấu giá quyền sử dụng
đất, cấp đổi giấy chứng nhận do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ
người khác.
Công trình Bệnh viện Ung thư tại Đà Nẵng
Sau khi rà soát, kiểm tra toàn diện và nghiêm túc, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đất đai,
về cơ bản UBND TP Đà Nẵng ban hành đúng trình tự thủ tục, đúng thẩm
quyền với tình hình thực tế của địa phương, tạo khuôn khổ pháp lý để
thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, công tác trên
vẫn còn một số hạn chế nằm ở những văn bản quy định thời gian công khai
khi tiến hành đấu giá đất, một số công văn cá biệt của Chủ tịch và các
Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo lập hồ sơ giao đất. Bộ Tài nguyên và Môi
trường kiến nghị cần sửa đổi hoặc hủy bỏ những văn bản trái quy định của
pháp luật còn đang có hiệu lực, sớm ban hành quyết định quy định về
suất đầu tư tối thiểu trên một đơn vị diện tích đất cho từng loại dự án
và từng địa bàn đầu tư; quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao
đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phù hợp với
những quy định của pháp luật cũng như phù hợp với tình hình thực tế tại
địa phương.
Đối với công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng liên quan đến các dự án đầu tư,
Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện nhiều dự án phát triển đô thị,
khu công nghiệp đã được UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định thu hồi đất
tổng thể, giao đất hoặc cho thuê đất để chủ đầu tư thực hiện dự án từ
năm 2009, 2010 như Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Khu đô thị Quan Nam –
Thủy Tú, Khu công nghiệp Hòa Cầm, Khu công nghệ cao Đà Nẵng... nhưng đến
thời điểm kiểm kê đất đai năm 2010, những dự án trên vẫn chưa được bồi
thường, giải phóng mặt bằng nên khi thực hiện kiểm kê đất đai đã kê khai
theo mục đích sử dụng hiện trạng.
Trong năm 2011, UBND TP Đà Nẵng cũng chưa thực hiện theo nội dung Công
văn số 79/TTg-KTN ngày 23/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết
định nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình cấp bách. Đến
khi Hội đồng Nhân dân TP ra Nghị quyết thông qua về nhu cầu sử dụng đất
các dự án, công trình cấp bách (tháng 7/2012), UBND TP mới chỉ đạo Sở
Tài nguyên và Môi trường làm văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường
về nhu cầu sử dụng đất các dự án, công trình cấp bách trên địa bàn
thành phố, gồm 233 dự án, công trình với tổng diện tích 15.495,56ha và
66 dự án, công trình có sử dụng vào đất trồng lúa với diện tích là
1.457,7ha.
Xung quanh vấn đề “nóng” nhất – giao đất, cho thuê đất và chuyển nhượng
quyền sử dụng đất đối các dự án đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã
tiến hành kiểm tra 48 hồ sơ/1.061 hồ sơ, trong đó có 14 dự án sử dụng
vốn ngân sách Nhà nước, 34 dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước. Đáng
chú ý, trong 2 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được giao đất chưa
đúng trình tự thủ tục, có dự án xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng
(thuộc Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng). Đây là điều
khá kỳ lạ, bởi công trình được coi là niềm tự hào của hệ thống chính
trị và nhân dân thành phố (nằm tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), dù
không có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền, nhưng vẫn nhận
đất và sử dụng một cách quy mô (công trình bệnh viện sử dụng 15ha đất,
khởi công ngày 28/3/2009, hoàn thành xây dựng ngày 31/12/2012 và đi vào
hoạt động từ 15/1 năm nay). Công trình còn lại là dự án Khu liên hợp thể
thao, Trạm xử lý nước thải và Khu tái định cư Hòa Xuân (địa bàn quận
Cẩm Lệ).
Đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, có tới 30/34 dự
án thực hiện trình tự thủ tục giao đất chưa đúng với quy định tại Điều
126 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ; các Điều
27, 28, 29 và 30 của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính
phủ. Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ trương cải
cách thủ tục hành chính của UBND TP Đà Nẵng nhằm rút ngắn thời gian thực
hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm triển khai dự án,
tuy nhiên công tác thẩm định nhu cầu sử dụng đất sẽ bị ảnh hưởng nhất
định. Quyết định giao đất không có thời hạn sử dụng, giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất không được cụ thể diện tích từng loại đất theo mục
đích sử dụng.
Xung quanh việc chuyển quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư, UBND TP Đà
Nẵng quyết định giao đất cho Công ty Quản lý và Khai thác đất (hoặc các
Ban Quản lý dự án, các công ty có chức năng khai thác quỹ đất) để ký
hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư mà UBND TP không
trực tiếp giao đất. Động thái trên tạo điều kiện cho các tổ chức, cá
nhân có nhu cầu sử dụng đất chỉ liên hệ 1 đầu mối đơn vị, nhưng chưa
đúng với các Điều 5, 15, 41, 58 và 122 của Luật Đất đai năm 2003. Bộ Tài
nguyên và Môi trường chỉ ra sự bất cập trong trường hợp cụ thể liên
quan đến Công ty TNHH Thương mại Hà và Công ty TNHH Khách sạn và Biệt
thự Nam Phát (Công ty 100% vốn nước ngoài).
Cụ thể, năm 2008, UBND TP Đà Nẵng thu hồi đất của Ban Quản lý Sơn Trà –
Điện Ngọc, giao cho Công ty TNHH Thương mại Hà diện tích 150.750m2, trong đó diện tích giao đất có thu tiền là 75.000m2, diện tích cho thuê trả tiền hằng năm là 75.750m2,
số tiền sử dụng đất là 39 tỉ đồng. Công ty TNHH Thương mại Hà được cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích làm cơ sở sản xuất kinh
doanh, phần đất được giao có thời hạn lâu dài, phần đất thuê có thời hạn
50 năm. Tuy nhiên, Công ty TNHH Thương mại Hà không sử dụng đất, không
đầu tư xây dựng theo nội dung của dự án mà chuyển tên (thực chất là
chuyển nhượng quyền sử dụng đất) cho Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự
Nam Phát. Ngày 27/11/2010, UBND TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số
321023000128 cho Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát vào khu
đất 150.750m2 trên, tổng số vốn đầu tư 380 tỉ đồng, thời gian
hoạt động 50 năm từ ngày 7/7/2008. Việc chuyển nhượng đất trên là trái
quy định tại Khoản 8 Điều 2 Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của
Chính phủ.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu
tư, qua kiểm tra 41 hồ sơ dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất (trên tổng số 48 dự án), Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy,
chỉ 14 dự án được cấp giấy đúng thủ tục, đúng đối tượng và đúng thời
hạn sử dụng đất. 27 trường hợp còn lại (không sử dụng vốn ngân sách Nhà
nước) đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào mục đích sản
xuất kinh doanh với thời hạn sử dụng lâu dài là trái với quy định tại
Khoản 3 Điều 67 Luật Đất đai 2003. Đây cũng là nội dung cuối cùng trong
kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường lên Thủ tướng Chính phủ chỉ
đạo UBND TP Đà Nẵng sớm kiểm tra, rà soát lại các trường hợp đã cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài với dự án đầu tư vào mục đích sản
xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng,
TP Đà Nẵng cần sớm thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất theo quy định
tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC của Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
Trong báo cáo, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính
phủ chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và
cá nhân trong việc để xảy ra sai sót, tồn tại trên khi thực hiện kết
luận của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo kiểm tra, lập thủ tục thu hồi các
dự án không sử dụng đất quá 12 tháng liền, hoặc những dự án có tiến độ
thực hiện chậm quá 24 tháng theo quy định tại Khoản 12 Điều 38 Luật Đất
đai 2003; thu hồi những dự án chuyển nhượng đất trái pháp luật.
P.V
Nguồn: Petro Times
http://petrotimes.vn/news/vn/kinh-te/bo-tn_mt-bao-cao-chinh-phu-viec-kiem-tra-chap-hanh-phap-luat-dat-dai-tai-da-nang.html
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét