(Thanh tra) - Ngày 28/1/2013, Tòa phúc thẩm
TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm Vụ án hành chính
17/2012/TLPT-HC ngày 13/11/2012 về “Yêu cầu hủy Quyết định số
13744/QĐ-UB ngày 12/12/2001 về cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và
quyền sử dụng đất ở (GCNQSHNƠ&QSDĐƠ) cho nhà số 30 Lê Lai và hủy
một phần Quyết định số 8715/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 của UBND TP. Đà
Nẵng”. Tuy nhiên, diễn biến của phiên tòa cho thấy, những khuất tất
chưa được sáng tỏ, quan điểm của Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm
sát xét xử phúc thẩm (Viện THQCT&KSXXPT) tại Đà Nẵng chưa được ghi
nhận, để rồi Bản án 14/2013/HC-PT của Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ
thẩm, làm cho vụ việc chưa có hồi kết...
Như Báo Thanh tra phản ánh, việc cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ cho nhà 30 Lê
Lai của bà Huyền Tôn Nữ Thị Oai (Trần Thị Thanh Hương thừa kế) có nhiều
sai phạm, đưa diện tích nhà bà Hương từ 91m2 lên 100,3m2 đất và áp đặt “phần diện tích sử dụng chung” với nhà ông Kế 26,6m2 đất, dẫn đến gia đình ông Kế khiếu kiện. Ngày 12/11/2010, UBND TP. Đà
Nẵng đã ban hành QĐ 8715/QĐ-UBND giải quyết “phần diện tích đường luồng
cho là sử dụng chung” trước đây, nay giao cho ông Kế sử dụng, nhưng chưa
giải quyết phần đất của nhà bà Hương lấn vào đất nhà ông Kế khoảng
0,25m x 17,5m, buộc ông Kế khởi kiện ra Tòa.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm 5/2012/HC-ST ngày 19/10/2012 của TAND TP. Đà Nẵng đã bác đơn khởi kiện của ông Kế. Bản án này có những nhận định thiếu cơ sở, không thuyết phục khi cho rằng, ông Kế không chịu ký biên bản tứ cận, bà Oai buộc phải làm bản cam kết và được UBND phường Thạch Thang ký xác nhận. Thực tế, biên bản tứ cận (cũng như cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ) cho nhà 30 Lê Lai, gia đình ông Kế hoàn toàn không biết và tại biên bản này, các hộ lân cận khác chỉ được đưa ký chứ không chứng kiến việc đo vẽ; thậm chí trong biên bản bà Hương lại ký thay cho bà Oai? Mặt khác, bản án nêu diện tích nhà bà Oai cỡ 4m x 17m mang tính ước độ, còn tại văn tự mua bán đất giữa vợ chồng ông Kế và bà Sa thì không ghi rõ diện tích nhà mà chỉ mô tả diện tích đất, mô tả phạm vi sử dụng đất. “Cở” trong giấy tờ mua bán nhà bà Oai là chữ “cở” (dấu hỏi), tức “kích cở” chứ không phải “cỡ” (dấu ngã) là cỡ khoảng; đây chính là thông số thể hiện kích thước nhà như ý kiến vị đại diện Viện THQCT&KSXXPT tại Đà Nẵng tại phiên tòa phúc thẩm.
Bản án sơ thẩm cho rằng, nhà ông Kế không ghi rõ diện tích nhà, trong khi Văn tự mua bán nhà ông Kế ghi rõ: “Một ngôi nhà trệt, lợp tôn, vách xây ất lô, bề ngang 9m, bề sâu 14m; có sân trước bề ngang 9m, chiều dài 3,5m tính đến lề đường Lê Lai”. Như vậy, diện tích nhà đất ông Kế là 9m bề ngang x 17,5m chiều dài. Ngoài ra, HĐXX sơ thẩm nhận định: Theo giấy tờ mua bán nhà ông Kế, phía Đông giáp nhà ông Trần Nguyên Đằng (chồng bà Oai, có con đường đi dài theo căn nhà chung cho cả hai), cho nên xác định có đường luồng sử dụng chung cho hai nhà. Nếu cho rằng, đường luồng chung thì Văn tự mua bán nhà ông Kế phải ghi kích thước chiều ngang nhà là 8m, chứ không thể là 9m và phía Đông nhà ông Kế ghi giáp với con đường đi dài chung cho hai nhà và không thể ghi phía Đông giáp nhà ông Đằng, còn câu chữ con đường đi nằm trong ngoặc như mô tả thêm đặc điểm, vị trí ngôi nhà. Con đường này không thể gọi là “đường luồng” vì nói đường luồng thì phải thông từ trước ra sau, nhưng nó bị giới hạn bởi sân trước nhà ông Kế 3,5m x 9m và vấn đề “phần diện tích đường luồng sử dụng chung” đã được giải quyết cho ông Kế sở hữu tại Quyết định số 8715/QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng.
Tại phiên tòa phúc phẩm, khi được hỏi về kích thước nhà ông Kế và bà Oai theo Văn tự mua bán nhà, ông Hoàng Minh Hòa, Sở TN&MT (được ủy quyền của UBND TP. Đà Nẵng) cũng thừa nhận: Nhà ông Kế có kích thước 9m x 14m, nhà bà Oai có kích thước cở 4m x 17m”. Trả lời câu hỏi “Vì sao bề ngang nhà bà Oai hiện tăng lên 4,56m?”, ông Hòa cho rằng: “Theo hiện trạng chứ không theo hồ sơ gốc. Giấy tờ nhà ông Kế nhiều nội dung không chỉ kích thước mà còn là đường luồng, giếng nước”, nên vị đại diện Viện phúc thẩm phản bác: “Cấp theo hiện trạng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi người khác, đằng này làm cho đất nhà ông Kế nhỏ đi, bề ngang nhà ông Kế thu hẹp là không đúng”. Tại sao sai số đo đạc bề ngang nhà 30 Lê Lai đến 12%, ông Hòa lúng túng nói: “Khoảng 11% trong sai số cho phép”(?). Điều đáng nói, cơ sở để giải quyết tranh chấp là số liệu đo đạc thực tế và hồ sơ mua bán nhà gốc, nhưng lại không đề cập tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm.
Ngày 21/8/2012, TAND TP chủ trì buổi đo đạc thực tế với sự chứng kiến của TAND, Viện KSND TP, Thanh tra Sở TN&MT, UBND phường Thạch Thang và 2 hộ ông Kế, bà Hương đều cho thấy, bề ngang nhà ông Kế là 8,97m (nếu kể hàng trụ bị bà Hương lấn khi xây nhà chỉ còn 8,77m). Kết quả này cũng phù hợp với kết quả đo đạc của Phòng TN&MT quận Hải Châu ngày 12/01/2010 như sau: Bề ngang nhà ông Kế 8,96m (nếu kể hàng trụ bị bà Hương lấn khi xây nhà chỉ còn 8,76m) và khoảng cách giữa 2 bức tường cũ nhà bà Hương là 4m2; rất khớp với giấy tờ mua bán nhà của ông Kế là 9m và bà Hương là 4m chiều ngang.
Trả lời câu hỏi tại sao trang đầu của GCNQSHNƠ&QSDĐƠ nhà số 30, Lê Lai không nêu phần diện tích sử dụng chung, nhưng trang sau lại vẽ và ghi diện tích sử dụng? Ông Hòa cho rằng: “Việc GCNQSHNƠ&QSDĐƠ ghi 1 trang hoặc ghi cả 2 trang đều bình thường, không có gì sai luật cả”. Tại phần tranh luận, ông Kế đặt câu hỏi: “Ranh giới thửa đất hiện trạng nhà bà Oai đến đâu?” thì ông Hòa trả lời: “Đến tường nhà bà Oai. Tường, quan hệ của tường thì tất cả vật kiến trúc cố định gắn liền với tường. Trong tường có phần trụ, tính da tường, da trụ. Khi tính ranh giới da trụ cũng là ranh giới da trường”, là không phù hợp với thực tế hiện trạng của 2 nhà.
Đại diện Viện THQCT&KSXXPT nêu: “Tại khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 8715/QĐ-UBND nêu cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo cho hộ bà Hương hoàn chỉnh tô tường và hoàn thiện công trình theo GPXD không có tính khả thi trên thực tế… Quy trình cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ của bà Oai chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến lợi ích các hộ liền kề, gây thiệt hại cho gia đình ông Kế với diện tích 0,25m x 17,5m = 4,375m2 đất đến nay chưa được giải quyết. Lý do tăng thêm diện tích được cấp của bà Hương chưa thuyết phục. Lẽ ra, căn cứ vào khoản 2, Điều 14 Luật Nhà ở, khi giải quyết tranh chấp về nhà ở, gắn liền với đất ở; TAND TP. Đà Nẵng cần tuyên bố thu hồi GCNQSHNƠ&QSDĐƠ số 3401032470 và Quyết định số 8715/QĐ-UBND của UBND TP, để UBND quận Hải Châu lập thủ tục cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ điều chỉnh cho bà Hương theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Nay thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thuộc UBND TP, nên cần được điều chỉnh cho phù hợp. Tòa có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ kiện dân sự khác, nhưng bản án sơ thẩm chưa làm rõ thiệt hại để giải quyết cùng vụ án hành chính. Vì vậy, có căn cứ chấp nhận khởi kiện, kháng cáo của ông Kế. Đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa sơ thẩm xét xử lại cho đúng quy định pháp luật”.
Song, quan điểm của Viện không được đề cập tại Bản án hành chính phúc thẩm số 14/2013/HC-PT và kết luận bản án đã tuyên: “Không chấp nhận kháng cáo của gia đình ông Kế, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Bác đơn khởi kiện của gia đình ông Kế về yêu cầu hủy các cuyết định hành chính”. Liệu bản án có thật sự xác đáng và công tâm không khi những chứng cứ quan trọng, tình tiết mới bị bỏ qua?
Dư luận mong rằng, với vai trò “cầm cân, nảy mực”, Tòa giám đốc thẩm sẽ đưa ra phán xét công minh, hợp lý và hợp tình.
Nguyên Phê
Nguồn: Bài trên báo Thanh Tra (trực thuộc Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra) số CN 3/3/2013 và Thanh Tra Online
http://www.thanhtra.com.vn/tabid/77/newsid/64887/temidclicked/1061/seo/Nhan-dinh-cua-Vien-phuc-tham-la-co-co-so/Default.aspx
P/S: Chứng cớ sờ sờ (vui lòng xem các bài liên quan có đính kèm các hồ sơ), vài chục bài báo phản ánh, hai lần đại biểu HĐND TP Đà Nẵng chất vấn tại phiên truyền hình trực tiếp, cả bản Phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát và qua tranh tụng... đều chứng tỏ các quyết định sai trái của Sở TNMT và UBND TP Đà Nẵng, thế nhưng... Mong Tòa Giám đốc thẩm sẽ thấy được cái sai hệ thống này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét